Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Theo Phi Tuyết: Trấn Thành – ngắt cành anh đào – mua trứng và muối: những chuyện lạ VN - 1 bài viết rất thực tế

   Xin chia sẻ 1 bài viết của Phi Tuyết - 1 bài viết đúng với bối cảnh xã hội Việt Nam (con người sống không có ý nghĩa trong 1 xã hội hỗn loạn, không thực chất)
1. Trấn Thành: nếu thấy tôi diễn hài nhảm, hãy tắt tivi —> Có vẻ như tại VN khán giả mới cần người nổi tiếng chứ người nổi tiếng đếch cần, đếch thèm, đếch quan tâm, đếch tôn trọng khán giả là mấy mà vẫn sống tốt, sống ngon lành!
Lần đầu tiên trong đời cảm thấy quan tâm và đồng tình với Trấn Thành: xin mọi người hãy tắt tivi/chuyển kênh ngay khi thấy mặt nó.
Nếu bạn không thấy hài TT nhảm thì chứng tỏ cuộc đời bạn cũng thê lương ảm đạm lắm rồi, khi mà bạn không thể tìm được những niềm vui, nụ cười thực trong cuộc sống mà thay vào đó bạn lại cần một đứa như TT thọt lét để bạn có thể tìm chút nụ cười hời hợt mỗi ngày.
Khán giả quá dễ dãi sinh ra những nghệ sĩ không xứng với từ nghệ sĩ mà cũng không biết gọi là gì nữa.
Buồn cho cả một nền giải trí.
Khi một người được yêu thích và đồng tình bởi rất nhiều người thì không thể nào người đó nghĩ mình sai được. Cũng hệt như cách Adolf Hitler nghĩ rằng chế độ độc tài của ổng là đúng đắn, sao không đúng được khi nó được đồng tình và ủng hộ bởi hàng triệu người dân Đức tôn sùng ổng, tôn dùng cái thuyết “dân Đức là số một” của ổng? Thành nó cũng vậy thôi, cũng có thể nó biết hài của nó là nhảm, tức là không có muối, không có tí thông điệp hay triết lý sống nào trong đó nhưng nó vẫn có thể tự hào sống phây phây và xem thường những người không ưa nó bởi vì nó biết nó có một đội quân zombie thần tượng nó đang nhao nhao lên ngoài kia ngóng chờ từng mẫu tin tức về nó được ném ra hàng ngày…
Vâng, với những người yêu thích Trấn Thành, các bạn là một đám zombie, các bạn mất hết não rồi, các bạn ngấu nghiến những màn cười chọc chét không tí nội dung như một lũ chết đói vậy.
Tỉnh thức đi. Tắt tivi, tắt điện thoại, bước ra ngoài đời sống ngoài kia mà tự tạo ra những nụ cười đi, cho chính mình và cho những người xung quanh nữa thay vì chờ đợi ai đó thọt lét để các bạn cười.


Hài nhảm mang lại những nụ cười hời hợt và lấy đi của các bạn quá nhiều thời gian cũng như cơ hội tự mình tạo ra những nụ cười thật sự. Người hời hợt cười hời hợt. Bạn có phải là một người sống hời hợt? Nếu bạn thích coi hài TT thì việc kết luận bạn đang sống không đủ sâu là điều chả còn phải bàn cãi.
Nhắc lại chút, tôi không ghét TT nha, đừng hiểu lầm nha. Tôi chỉ không thích và cũng không quan tâm thôi, nhưng thứ tôi quan tâm là việc nó xem thường khán giả quá (dù tôi chả phải khán giả của nó), tôi tội nghiệp cho nền giải trí VN, họ quên mất khán giả – tức chính họ – mới là người quyết định cái gì cần/nên được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, trên các phương tiện giải trí, chứ không phải kiểu nghệ sĩ mì ăn liền như TT quyết định điều đó.
Thay vì chăm chăm tìm nụ cười hời hợt từ màn hình thì các bạn trẻ hãy nghĩ đến việc tự mình tạo ra nụ cười cho mình và cho mọi người xung quanh đi. Điều đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn nhiều!
Và đừng xem thường những gì các bạn coi từ truyền thông, từ giải trí, từ âm nhạc, phim ảnh vì chúng ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, lối sống, lối hành xử của các bạn sau này, một cách vô thức mà các bạn không hề nhận ra.
Sau đây là ví dụ cụ thể nhất cho điều này:
2. Người phụ nữ bẻ hoa anh đào: Ai lên xứ anh đào đừng quên đem về một cành hoa —> Ở VN, người có lỗi không bao giờ thật sự có lỗi, lỗi luôn thuộc về ai đó khác thấp kém hơn, yếu thế hơn: lỗi do đứa đánh máy, lỗi do nhân viên, lỗi do nhạc sĩ, lỗi do anh tài xế, lỗi định mệnh… Ở VN bạn muốn làm gì xấu thì cứ làm, không cần quan tâm có lỗi hay không, bởi vì dù làm gì thì bạn cũng không bao giờ có lỗi nếu như bạn có đủ quyền thế để đổ lỗi cho ai đó thấp hơn.
Mà cũng không trách được khi cả một xã hội đang đặt nền tảng giáo dục trên sự dối trá là chính: A, cánh cửa làm con đau hả, cánh cửa chừa này, cục đá chừa này, con chó chừa này… Ngay cả các bậc cha mẹ cũng dối trá với con cái mỗi ngày khi hứa lèo với chúng những điều nhỏ nhặt, khi dạy chúng những lý thuyết trái ngược với thực tế của họ, khi làm gương xấu cho chúng qua những vở kịch họ diễn với nhau mỗi ngày… Ấy thế thì có gì lạ với văn hóa đổ lỗi này? Ở VN nếu có ai đó đứng lên nhận lỗi của họ thì chắc chắn đó sẽ là tin tức hot nhất, khủng khiếp nhất, giật gân nhất từng có.
Buồn cho cả một nền văn hóa và giáo dục.
Giáo dục trừng phạt lỗi sai, không cho phép người ta phạm lỗi và đánh giá thấp những người phạm lỗi. Điều này sinh ra những thế hệ xem lỗi sai là một thứ đáng khinh ghét, thay vì phạm lỗi và học hỏi từ lỗi lầm thì người ta cố tìm cách tránh xa nó. Có hai cách để tránh xa lỗi, một là không dám làm gì để khỏi có lỗi, suy nghĩ này khiến cho tuổi trẻ VN không dám xông pha, không dám thử thách, chấp nhận một cuộc sống nhàn hạ an toàn và cỏn con từ suy nghĩ đến hành động. Không phạm lỗi người ta sẽ không thể học hỏi từ lỗi lầm và sẽ không thể trưởng thành được. Các thế hệ VN lớn tuổi thì nhiều đấy nhưng nếu nói về trưởng thành thì… không nói tới đỡ đau lòng hơn.
Và cách thứ hai người ta hay dùng để tránh lỗi lầm là chối, là đổ lỗi, là tìm mọi cách để nói rằng mình không có lỗi. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự thiếu trưởng thành trong những thế hệ người Việt: không ai dám nhận lỗi về mình kể cả khi tang chứng vật chứng rành rành ra đó. Tại sao phải nhận lỗi khi có thể chối? Tư duy này có ai còn lạ trong xã hội VN nữa đâu. Lỗi lầm luôn thuộc về ai đó khác, luôn là như vậy, từ việc những người cha luôn nói “con hư tại mẹ” cho đến những giáo viên luôn cho rằng học sinh học ngu là tại học sinh lười, chứ không phải do họ dạy quá nhàm chán, quá thiếu sáng tạo, thiếu kiến thức thực tế… rồi thì cho đến lịch sử, chính trị… trong mọi thứ người ta đều có thể đổ lỗi cho người khác: Nước ta nghèo là vì bị đô hộ lâu, bị chiến tranh tàn phá, bị ngoại bang bóc lột chứ không phải vì con người VN yếu kém, thể chế chính trị lạc đường, lãnh đạo thiếu tầm nhìn, thiếu kiến thức…
Với tất cả những gì đã và đang xảy ra trên đất nước này, tôi ngạc nhiên khi các bạn ngạc nhiên với chuyện ai đó đổ lỗi cho ai đó, không, nó là chuyện bình thường rồi. Và đó là điều đáng buồn khủng khiếp khi mà tại đất nước này những chuyện bình thường trên thế giới trở thành bất thường được đưa tin ồ ạt (người nhặt được đồ rơi đem trả lại cho người bị mất, cảnh sát giúp người dân…) và cả đống những chuyện bất thường lại thành bình thường khác nữa.
Như là chuyện một đất nước nông nghiệp với biển kéo dài gần hết chiều dài đất nước lại phải đi nhập khẩu từ cái tăm, cây đũa, cọng rau, con cá…
Và sắp tới đây thì:
3. Việt Nam sắp nhập khẩu trứng và muối —> mới đọc hôm nào nông dân làm muối khốn khó nghèo khổ vì giá muối quá rẻ mạt, rồi thì chuyện một quả trứng gánh hàng chục loại thuế phí nay lại đọc thấy tin VN sắp nhập khẩu muối và trứng… Ôi một đất nước nông nghiệp mà nông dân sắp chết vì đói khổ và bị bỏ rơi, riết thấy VN không xứng với cái danh “đất nước nông nghiệp” một tí nào, thay vì vậy có lẽ nên gọi VN là “đất nước ngược đời, đất nước lạ lùng, đất nước thú vị, đất nước hài hước” – tất nhiên là cười ra nước mắt…
Buồn cho cả một nền kinh tế.
Nếu VN có được một sự lãnh đạo đủ thông minh và dũng cảm cũng như đủ sáng suốt và bản lĩnh để thoát Trung và nhìn nhận đúng tiềm lực nông nghiệp của đất nước thì có thể nói VN hoàn toàn dư sức trở nên giàu có, thậm chí rất giàu có là khác. Nhưng quả là một đứa trẻ nhà nghèo học đòi làm sang khi ném hết những lợi thế nông nghiệp để học đòi công nghiệp, nhiệt điện, công nghệ, dịch vụ, tài chính… học đòi mọi thứ nhưng chẳng đâu ra đâu khi hàng đống những siêu doanh nghiệp, công ty cứ phá sản ồ ạt, mà lại toàn bằng tiền thuế mới đau chứ. Người dân nghèo vì đóng thuế nuôi một chính quyền yếu kém về quản lý và lãnh đạo chỉ biết tiêu xài thuế vô tội vạ không hiệu quả. Thế thì đất nước làm sao mà giàu mà mạnh? Thế thì đồng tiền VN yếu gần bét thế giới có gì đáng ngạc nhiên?
Do đâu mà VN lại trở nên như vậy? Không những không tận dụng được những lợi thế mà còn làm mất luôn mọi lợi thế đang có, nói gì tới khắc phục và thay đổi những yếu thế khác?
Buồn cho cả một đất nước!
Nhưng mày này, nói tí cho vui thôi chứ thật ra mình hết quan tâm chuyện giải trí, xã hội, chính trị từ lâu rồi. Vì mình không muốn có con nên cũng không có nhu cầu nổi dậy để thay đổi một đất nước tốt hơn cho con cái sau này!
Nhưng mấy bạn đã, đang và sẽ có con, nếu muốn con cái mình có một tương lai tốt hơn thế thì hãy quan tâm đất nước này hơn chút đi!
Thế hệ người Việt hiện tại xứng đáng nhận những gì họ đang phải nhận, vì nhân họ đã gieo trong quá khứ. Nhưng thế hệ người Việt tương lai không đáng phải nhận cùng những quả đó, chúng xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn và tương lai ấy của chúng cần được chính các bạn gieo hạt ngay hiện tại này, chứ còn đợi ai? Hay lại ca bài ca muôn thủa “tương lai đất nước này xin đặt lên vai các em” hahaa
Như đã nói, tôi có vẻ quan tâm nhưng thật ra tôi cũng không quan tâm mấy đâu vì cuộc sống của tôi khác rồi: nó luôn tốt, bất kể xã hội ngoài kia thay đổi hay không, bất kể tôi có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi biết lý do tại sao mình đang ở đây, mình cần gì ở đây và cách để mình có được thứ mình cần khi vẫn còn đang ở đây nên tôi không bận tâm quá nhiều nữa, đúng như Đức Jesus đã từng nói “Cuộc cách mạng lớn nhất là cuộc cách mạng cho linh hồn, không phải cho cơ thể. Khi linh hồn đã được giải phóng rồi thì những chuyện bên ngoài cơ thể sẽ không còn quan trọng nữa.”

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét