Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

TUỔI 22 VÀ 3 CHỮ "THẤT".

1. Thất nghiệp
22 tuổi, sau 4 năm học đại học xa nhà, sau những kỳ thi cử là lúc khoác trên mình chiếc áo cử nhân, rạng rỡ cùng bạn bè đón chờ một ngày đáng nhớ. Khi bước vào cổng trường đại học, bạn đã từng mơ ước về một tương lai tươi sáng, rồi bạn sẽ tung cánh, đến với những giấc mơ thành công của mình.
Nhưng thực tế là, sau cái ngày mặc trên mình chiếc áo cử nhân, cầm trên tay tấm bằng, cùng bạn bè chụp hình tung mũ, thỏa thích cười một ngày hạnh phúc. Để rồi ngày sau đó sẽ bị đá thẳng ra khỏi trường, với cánh cổng to đùng mang tên “Thất nghiệp”.
Bạn tốt nghiệp, bạn nghĩ đó đã là đủ, nhưng bạn lại quá non nớt khi bước ra cuộc sống thật, khác hẳn với cuộc sống lý thuyết trong trường đại học. 22 tuổi, bạn chỉ có kiến thức cơ bản học theo cách cưỡi ngựa xem hoa, để rồi ngơ ngác trước nhà tuyển dụng. Thế là đi từ đâu hãy quay về chỗ đó.
Bạn không có kinh nghiệm, bạn vác hồ sơ chạy khắp nơi, bạn không cam tâm làm những việc tầm thường không xứng với tấm bằng mình nhận được. Và thế là cứ thất nghiệp dài ngày, chờ đợi mòn mỏi, áp lực từ gia đình, bản thân mãi không tìm ra lối đi.
2. Thất tình
Nói là thất tình thì cũng có hơi quá, vì ở tuổi nào người ta cũng có thể thất tình. Nhưng đáng nói là khi tuổi 22 đến, bạn đến lúc lao ra dòng đời và tự học cách sống. Bạn mất hết những mơ mộng trong cuộc sống vô cùng thực tế. Công việc, tiền bạc, các mối quan hệ khác, làm bạn không thể giữ vững được tình yêu gắn bó thời sinh viên, lúc mà hai đứa còn thề non hẹn biển, khi mà chưa bị mưu sinh phân tâm, thì có ăn mì gói cũng cảm thấy lãng mạn.
Yêu nhau thì không có lý do, nhưng chia tay thì đơn giản một câu “không hợp” là xong. Vì một người có việc làm, một người không có, người này mặc cảm với người kia. Cả hai cùng không có, thì những ngày túng quẫn sẽ làm cả hai chẳng còn vui mà ăn chung mì tôm qua ngày được nữa, sẽ nảy sinh những mâu thuẫn. Hoặc nếu cả hai cùng có việc làm, thì hẳn đôi lúc môi trường mới, người ta dễ gặp những đối tượng mới, làm cả hai trở nên xa cách nhau hơn.
Đó có thể là những lý do, khiến những mối tình sinh viên thường không bền.
“Tình chỉ đẹp khi còn đi học
Đời mất vui khi tốt nghiệp rồi”
Nhưng chữ thất này, sẽ không kéo dài lâu, vì 22, bạn quá trẻ mà, rồi sẽ yêu đời ngay thôi.
3. Thất vọng
Sau thất nghiệp, thất tình, bạn sẽ thất vọng toàn tập khi gà mờ bắt đầu loạng choạng gây dựng cuộc sống tự lập.
Sẽ không còn những khoản hỗ trợ rủng rỉnh và những câu dặn dò “ráng học, ráng ăn uống nhé con”, thay vào đó là cắt tài trợ, và những câu hối thúc kiếm việc, cùng với sự so sánh: “Mẹ thấy con nhà kia học ra làm chỗ này, chỗ kia rồi mà mày thì…”, “Cái X bạn học chung cấp 1, 2, 3 gì đó với mày, giờ làm lương tháng cả mười mấy triệu”. Ôi bạn sẽ cảm thấy run run mỗi khi nghe điện thoại reo, mà màn hình nổi lên số người thân.
22 tuổi, bạn sẽ biết chỉ có đam mê và hy vọng. Bạn phải chấp nhận sự bất công trong xã hội khi không có mối quan hệ, không có sự quen biết. Đôi khi bạn biết bạn có khả năng nhiều hơn người khác nhưng rồi phải ngậm cười cay đắng nhìn người ta ngồi vào vị trí đó, chỉ vì họ biết che ô.
Bạn sợ mỗi lần đối diện với bố mẹ, với câu hỏi của người thân, sợ những cuộc họp lớp với bạn bè, sợ tự vấn chính mình. Bạn co ro, tự cô lập mình. Rồi chấp nhận làm những công việc không yêu thích, nhưng cần thiết để có thể chi trả sinh hoạt cho chính mình, cứ thế ngày qua ngày, bạn không biết mình đã đánh mất giấc mơ của mình lúc nào không hay.
22 TUỔI KHÔNG CÓ GÌ NGOÀI TUỔI TRẺ!
22 tuổi, bạn nhận lấy đủ thứ thất vọng, nhưng bạn nhận lại đó là tuổi trẻ. Bạn còn trẻ lắm, những va vấp, chày xước không làm bạn tổn thương được đâu, nó sẽ giúp bạn dày dặn hơn mà can đảm bước tiếp.
22 tuổi, hãy cho mình thời gian để suy ngẫm, hỏi quay lại hỏi niềm đam mê của mình ban đầu là gì. Bản thân mình thực sự muốn gì, hãy lao vào mà thử thách, bạn đã thất vọng nhiều, thêm một chữ nữa không hề hấn gì. Còn trẻ mà, té ngã chỗ nào, đứng dậy phủi bụi rồi đi tiếp.
22 tuổi ấy, thật trẻ trung, hãy cười thật lớn, hãy sống cho mình đầu tiên, bước đi ngẩng cao đầu. Tự tin chấp nhận những chữ “Thất” to đùng ấy để trưởng thành hơn. Để sau này khi đi qua, nhìn lại thật mãn nguyện, “à thì ra mình cũng từng có tuổi 22 mạnh mẽ như thế”.
[ST]

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét